ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI BẠN BỊ NHỒI MÁU CƠ TIM?
Nếu bạn bị nhồi máu cơ tim thì có lẽ đây là một cú sốc lớn đối với bạn. Nhưng may thay lại có những phương pháp điều trị hiệu quả đối với căn bệnh này. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin về bệnh nhồi máu cơ tim cũng như các cách thức giúp phục hồi và sống khỏe sau khi bị bệnh.
Chúng tôi đã tập hợp các nghiên cứu tốt nhất và cập nhật nhất về bệnh nhồi máu cơ tim để xem liệu có những phương pháp điều trị nào là hiệu quả. Bạn có thể sử dụng thông tin của chúng tôi để nói chuyện với bác sĩ và quyết định phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho mình.
Điều gì xảy ra khi bạn bị nhồi máu cơ tim?
Tim của bạn bơm máu lưu thông khắp cơ thể. Nó mang oxy và năng lượng cho các cơ. Tim được cấu tạo từ cơ và nó cần một nguồn cung cấp máu tốt để duy trì cho khả năng bơm máu.
Khi bạn bị nhồi máu cơ tim, một trong những mạch máu mang máu đến tim sẽ bị chặn lại do cục máu đông. Khi điều này xảy ra thì tim không nhận đủ oxy. Điều này thường dẫn đến tình trạng đau ngực dữ dội và khiến bạn cảm thấy khó thở. Nếu nguồn cung cấp máu bị chặn lại quá lâu thì một phần trái tim sẽ chết.
Nếu bạn được đưa ngay đến bệnh viện sau khi bị nhồi máu cơ tim thì bạn sẽ được điều trị một cách rất khẩn trương để làm thông mạch máu và khiến cho dòng máu chảy trở lại bình thường. Điều này được thực hiện với các loại thuốc và cũng thường bằng một phương pháp can thiệp gọi là nong mạch vành. Những phương pháp điều trị này có thể giúp làm hạn chế tổn thương cho tim của bạn.
Bác sĩ sau đó sẽ theo dõi bạn rất sát để xem liệu bạn có phát sinh bất kỳ vấn đề nào khác nữa không. Những vấn đề này có thể như nhịp tim không đều hoặc các bất thường về hệ thống bơm của tim. Nếu cơ tim của bạn bị tổn thương nhiều do nhồi máu cơ tim thì có thể tim sẽ không còn hoạt động được tốt như trước nữa. Đây được gọi là suy tim.
Thời gian nguy cơ rủi ro nhất là vài giờ sau cơn nhồi máu cơ tim. Một khi bạn vượt quá khoảng thời gian này thì có lẽ bạn cần phải nghỉ ngơi trong bệnh viện vài ngày để theo dõi thêm. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ làm thêm các xét nghiệm để cố gắng tìm ra phần nào của tim bị tổn thương và mức độ tổn thương ra sao.
Nếu mọi việc suôn sẻ thì có lẽ bạn sẽ được xuất viện sau khoảng một tuần từ lúc bị nhồi máu cơ tim.
Tại sao tôi bị nhồi máu cơ tim?
Bị nhồi máu cơ tim là một cú sốc lớn, đặc biệt nếu bạn là người có sức khỏe hoàn toàn khỏe mạnh trước đó. Bạn có thể tự hỏi tại sao nó lại xảy ra với mình. Các cơn nhồi máu cơ tim xảy ra là do cục máu đông hình thành trong các động mạch. Bác sĩ không biết chính xác tại sao chúng lại gây ra vấn đề cho người này mà người khác thì lại không.
Nhưng bạn có nhiều khả năng gặp vấn đề này nếu các động mạch của bạn bị hẹp do các khối mỡ trên thành động mạch. Bác sĩ gọi đây là xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch thường gặp ở người lớn tuổi. Nếu bạn bị xơ vữa động mạch trong các động mạch dẫn đến tim thì đây được gọi là bệnh tim. Bạn có thể bị bệnh tim trong nhiều năm mà hoàn toàn không biết mình bị. Cơn nhồi máu cơ tim có thể là dấu hiệu đầu tiên làm cho bạn biết mình mắc bệnh tim.
Những yếu tố khác làm tăng khả năng bạn bị nhồi máu cơ tim bao gồm:
Nam giới. Nam giới dễ bị nhồi máu cơ tim hơn nữ giới. Nhưng điều này chỉ áp dụng đối với nam giới và nữ giới trẻ tuổi. Sau mãn kinh thì nữ giới dễ bị nhồi máu cơ tim hơn nam giới.
Cao huyết áp.
Đái tháo đường.
Những người mắc bệnh đái tháo đường thường cần dùng thuốc để giúp họ tránh các vấn đề về tim mạch.
Cholesterol trong máu cao.
Thừa cân.
Hút thuốc lá.
Không tập thể dục thường xuyên.
Có một thành viên cận huyết trong gia đình bị nhồi máu cơ tim khi còn khá trẻ (dưới 60 tuổi).
Những điều này (bác sĩ gọi chúng là các yếu tố nguy cơ) làm cho dễ bị nhồi máu cơ tim. Nhưng ngay cả khi bạn mắc phải một vài trong số các yếu tố nguy cơ này thì điều đó không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ bị nhồi máu cơ tim. Một số người có nhiều yếu tố nguy cơ lại chẳng bao giờ bị nhồi máu cơ tim, trong khi một số người khác lại bị nhồi máu cơ tim mặc dù họ chẳng có các yếu tố nguy cơ này.
Điều gì xảy ra khi bạn về nhà?
Khi bạn được xuất viện về nhà, bạn có thể bắt đầu dần dần quay trở lại cuộc sống bình thường. Nếu bạn sống một mình, bạn nên cần có ai đó ở bên cạnh bạn trong vài tuần để giúp đỡ bạn thích nghi lại cuộc sống.
Bạn có thể cảm thấy lo lắng về những gì bạn có thể và không thể làm. Điều quan trọng là thích nghi lại mọi thứ một cách từ từ. Bạn sẽ dần dần có thể làm việc nhiều hơn mà không thấy mệt mỏi và khó thở.
Cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, tức giận hoặc thấp thỏm sau một sự việc đầy căng thẳng như nhồi máu cơ tim là điều hết sức bình thường. Nhưng nếu tâm trạng của bạn vẫn cứ tiếp tục bị trì xuống thì bạn nên đi gặp bác sĩ để nói chuyện. Một số người bị trầm cảm sau cơn nhồi máu cơ tim. Nhưng có những phương pháp điều trị có thể giúp cho bạn.
Hầu hết những người còn sống sau cơn nhồi máu cơ tim có thể trở lại mức độ hoạt động bình thường trong vòng sáu tuần, mặc dù việc trở lại làm việc có thể mất đến vài tháng.
Các chương trình phục hồi chức năng tim có sẵn trong vùng bạn sinh sống. Đây là những chương trình mà bạn nhận được hỗ trợ từ các điều dưỡng chuyên gia và các chuyên gia khác để giúp bạn phục hồi. Trước khi bạn xuất viện, bạn và bác sĩ nên thảo luận về cách làm thế nào để bạn có thể tham gia một chương trình phục hồi như thế. Nếu bác sĩ không đề cập đến vấn đề này, bạn hãy chủ động hỏi.
Điều gì sẽ xảy ra với tôi trong thời gian dài?
Bạn phục hồi ra sao sau khi bị nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào mức độ tổn thương của tim. Sự phục hồi của bạn cũng phụ thuộc vào mức độ bạn tuân thủ với việc điều trị bằng thuốc và các hoạch định giúp bạn có một cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Một số người bị nhồi máu cơ tim thỉnh thoảng bị đau ngực (đau thắt ngực) và cảm thấy khó thở.
Đau thắt ngực xảy ra khi tim bạn không nhận đủ máu: ví dụ như khi bạn tập thể dục hoặc ra ngoài trời lạnh. Thường sẽ hết đau khi bạn nghỉ ngơi. Bác sĩ có thể kê toa thuốc để giúp bạn giảm cơn đau do đau thắt ngực gây ra.
Khó thở có thể là do tim bạn không bơm máu được tốt như trước khi bị nhồi máu cơ tim. Để dự đoán liệu việc bơm máu có còn tốt không sau khi bị nhồi máu cơ tim bác sĩ sẽ xem xét vào các điều sau:
Tim bạn có đang bơm máu hiệu quả không?
Tim của bạn đã bị tổn thương ở đâu? Cơn nhồi máu cơ tim gây tổn thương phần phía trước của tim sẽ nguy hiểm hơn những tổn thương ở mặt sau của tim.
Huyết áp của bạn là bao nhiêu và tim bạn đập nhanh như thế nào ở thời điểm bạn nhập viện? Nếu huyết áp thấp và tim đập nhanh, có lẽ bạn đã bị nhồi máu cơ tim nghiêm trọng.
Bạn bao nhiêu tuổi? Bạn càng lớn tuổi thì càng có nhiều khả năng cơn nhồi máu cơ tim của bạn nguy hiểm.
Hãy nhớ rằng bạn đã vượt qua rào cản đầu tiên: bạn đã sống sót sau cơn nhồi máu cơ tim. Hãy tuân thủ các phương pháp điều trị và thực hiện một số thay đổi lối sống lành mạnh nhằm giúp mang lại cho bạn cơ hội tốt nhất để có một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh hơn.
Nhồi máu cơ tim: các câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn
Nếu bạn bị nhồi máu cơ tim, bạn có thể muốn nói chuyện với bác sĩ để được biết thêm nhiều thông tin hơn. Dưới đây là một số câu hỏi mà bạn có thể muốn hỏi.
Tim của tôi đã bị tổn thương mức độ ra sao? Tổn thương ở đâu?
Tim tôi có đang bơm máu hiệu quả không?
Tôi có khả năng gặp vấn đề (biến chứng) nào do nhồi máu cơ tim, chẳng hạn như nhịp tim bất thường không?
Tim tôi có thể ngừng đập không?
Nhồi máu cơ tim của tôi được điều trị như thế nào? Tôi có cần điều trị thêm để làm mở rộng mạch máu đến tim bị tắc nghẽn trong cơn nhồi máu cơ tim không?
Tôi có phải dùng thuốc trong suốt quãng đời còn lại không?
Khi nào tôi có thể được xuất viện về nhà?
Khả năng tôi có thể bị một cơn nhồi máu cơ tim nữa là như thế nào?
Tôi có thể làm gì để tránh bị nhồi máu cơ tim?
Khi nào tôi có thể trở lại sinh hoạt thường ngày?
Có an toàn khi tôi quan hệ tình dục sau khi bị nhồi máu cơ tim không?
Dịch vụ truyền nước tại nhà tphcm Bình Minh là nơi quy tụ đội ngũ bác sĩ giỏi, với trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trên 10 năm trong nghề giúp chăm sóc bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người già.